-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
SƠN LA trở thành trung tâm chuyên canh và xuất khẩu hoa quả miền Bắc
06/11/2021
Từ Tỉnh Miền Núi, SƠN LA đã trở thành trung tâm chuyên canh và xuất khẩu hoa quả của miền Bắc.
TTO - Từ một địa phương miền núi, Sơn La đã trở thành một trung tâm chuyên canh cây ăn quả và xuất khẩu hoa quả của miền Bắc. Còn Hòa Bình là 1 trong 3 địa phương đầu tiên của cả nước có cổng thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.
- Ngọt thơm 'xoài trứng' Yên Châu, ăn một lần sẽ nhớ mãi
- Cam Cao Phong được đăng ký chỉ dẫn địa lý
- Lên Hòa Bình thưởng thức đặc sản cam Cao Phong
Xoài tròn Yên Châu - một đặc sản của tỉnh Sơn La - Ảnh: NAM TRẦN
Thực hiện kế hoạch tổng kết nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn (gọi tắt nghị quyết 26), đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương do Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng làm trưởng đoàn, vừa có chuyến làm việc về kết quả triển khai nghị quyết 26 với 2 tỉnh Hòa Bình và Sơn La.
Theo báo cáo của Tỉnh ủy Sơn La, việc triển khai thực hiện nghị quyết 26, tỉnh đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng. Từ một địa phương miền núi, Sơn La đã trở thành một trung tâm chuyên canh cây ăn quả và xuất khẩu hoa quả của miền Bắc.
Ngoài các sản phẩm xuất khẩu (chè, ngô giống, chuối…) gắn với các thị trường truyền thống, những năm gần đây đã có thêm nhiều sản phẩm nông sản đáp ứng được điều kiện tham gia xuất khẩu như nhãn, xoài, chanh leo, mật ong, tinh bột sắn, cà phê, đường...
Đáng chú ý, tỉnh đã triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đến nay, toàn tỉnh đã có 83 sản phẩm.
Thăm, khảo sát một số mô hình nông nghiệp hiệu quả kinh tế cao điển hình về trồng cây ăn quả tại huyện Mai Sơn, đoàn công tác đánh giá huyện Mai Sơn là điển hình trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh Sơn La, có gần 11.000ha diện tích chuyên canh cây ăn quả. Huyện đã tập trung phát triển hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã gắn với chuỗi tiêu thụ sản phẩm.
Đến nay, Mai Sơn có 140 hợp tác xã, trong đó có 120 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp với trên 6.300 thành viên. Doanh thu bình quân của các hợp tác xã đạt từ 2-2,5 tỉ đồng/năm.
Đối với Hòa Bình, qua làm việc với Thường trực Tỉnh ủy cho thấy, việc triển khai thực hiện nghị quyết 26 của Hòa Bình đã đạt được những kết quả quan trọng. Tỉnh đã điều chỉnh và lập mới hơn 19 quy hoạch phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới. Tỉnh Hòa Bình là 1 trong 3 tỉnh, thành phố đầu tiên của cả nước đã xây dựng và vận hành Cổng thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.
Thăm và khảo sát một số mô hình kinh tế ở huyện Cao Phong, đoàn công tác đã ghi nhận những thành công từ mô hình chuyên canh cây cam. Huyện đã khuyến khích trồng cam theo quy trình VietGAP, đẩy mạnh sản xuất hướng "xanh - sạch - an toàn". Hợp tác xã 3T FARM ra đời với mục tiêu là sản xuất cam Cao Phong theo tiêu chuẩn "3 Tốt": tốt đất, tốt giống, tốt từ tâm, tạo ra thương hiệu của cam Cao Phong trên thị trường.
Hai tỉnh Hòa Bình và Sơn La cũng kiến nghị trong chương trình về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn tới đây cần có cơ chế đặc thù cho nông thôn miền núi, có chính sách mạnh mẽ hơn khuyến khích hỗ trợ các hoạt động đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nông thôn miền núi,…
Kết luận tại buổi làm việc, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng đánh giá cao tỉnh Hòa Bình và Sơn La đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng trong triển khai nghị quyết 26.
Tuy nhiên, ông Hưng đề nghị tỉnh Sơn La cần tiếp tục coi việc xây dựng nông thôn mới, tập trung chỉ đạo thường xuyên, liên tục. Trong sản xuất nông nghiệp cần chú trọng ưu tiên các chính sách về hỗ trợ sản xuất, vay vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề, tạo việc làm, nâng cao dân trí, chuyên môn, kỹ thuật canh tác, sản xuất cho nông dân, nhất là lao động trẻ ở nông thôn…
Đối với Hòa Bình, ông Hưng cho rằng cần được quan tâm khắc phục một số hạn chế trong triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao vào sản xuất, bảo quản, chế biến để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.